17-03-2016 - 15:08

Bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Vũ Quang Vũ Quang với đa dạng thành phần loài và đa dạng hệ sinh thái

Nằm trong dãy Giăng Màn thuộc hệ thống núi Bắc Trường Sơn, Vườn quốc Gia Vũ Quang đã trở thành để tài hấp dẫn cho nhiều nhà nghiên cứu sinh vật học trong và ngoài nước tới tìm hiểu. Vườn hiện nay không chỉ có nhiều gỗ quý mà còn nhiều động vật chim muông quý hiếm, nhiều động thực vật kỳ lạ đang được tiếp tục phát hiện.

Tháng 6 năm 1992 sau khi Báo Lao Động đưa trên trang nhất ảnh và tin một người nông dân xã Sơn Hồng (Hương Sơn) trong lúc đi rừng bẫy được con Sao La tại rừng Vũ Quang. Bản tin này đã gây sửng sốt cho các nhà nghiên cứu sinh học trên toàn thế giới, bởi từ lâu họ đang cất công tìm kiếm, có những cuộc tìm kiếm hàng tháng trời ăn ngủ ở rừng Vũ Quang và rừng Pù Mát (Nghệ An) nhưng chưa có kết quả. Con Sao La mà người nông dân kia bẫy được đã được Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh đưa ra Hà Nội cho Viện điều tra nghiên cứu quy hoạch rừng Trung ương nuôi dưỡng. Tổ chức WWF (quỹ động vật hoang dã thế giới) đã chính thức công bố nguồn tin này cho toàn thế giới biết.

Theo nhiều nhà khoa học nghiên cứu về Sao La cho biết : Tại Hà Tĩnh hiện nay đang có 3 khu vực còn nhiều Sao La, chứ nó không có nguy cơ tuyệt chủng như nhiều người quan ngại: những khu vực mà dân đi kiếm củi thường gặp dấu chân chúng là: Thượng nguồn Khe Tre (thuộc huyện Hương Sơn), thượng nguồn Sống Truồi và Khe Rào Nổ (thuộc huyện Hương Khê). Đặc điểm của loài vật này là ưa sống trên độ cao 70 mét, ưa những nơi có nhiều lèn đá và gần dòng suối nước trong. Chúng hay thích ăn các loại lá chồi non, các loại cây rừng. Đặc biệt khoái khẩu nhất của Sao La là lá cây thiên niên kiện (Homalomenaromatica) loài cây này thường mọc ven bờ suối. Sao La khi mới một vài tuổi cũng nhỏ nhắn và hiền lành như con dê nuôi của bà con nông dân, nhưng từ 5 tuổi trở lên thì chúng to lớn và dữ tợn, trọng lượng con Sao La lớn nhất có thể lên tới 80 kg -120 kg. Chiều dài từ mũi đến hậu môn khoảng 1, 5 mét, chiều cao vai khoảng 80cm, đuôi khoảng 13 cm, với túm lông màu đen. Điểm nổi bật của Sao La cả đực và cái đều có sừng dài, nhưng sừng con đực dài hơn con cái. Một điều kỳ lạ nữa là gần đôi mắt xuất hiện hai cái mang rộng dài, nên Sao La không chỉ thở bằng mũi mà chức năng mang cũng góp phần cho sự hít thở của Sao La.

Loài thú Sao La có màu nâu sẫm với những vạch màu trắng hay màu đen. Mặt và thân có màu nâu sẩm hay nâu đỏ nhạt. Sao La có đường nâu nhạt ngắn ở trên đuôi, dài từ 11 cm - 13 cm. Cả đực và cái có những sọc trắng trắng nhạt, ở trên và dưới mắt, ở bên cằm và cổ họng cũng có nhiều vạch trắng

 

Đến đa dạng sinh học khác

 

Đối với việc phát hiện Sao La tại Vườn quốc gia Vũ Quang cho thấy" ngôi nhà xanh" của giới động thực vật này thiêng liêng và giàu có. Với diện tích hơn 55.058 ha, thực sự là vườn bảo tồn đa dạng phong phú của thế giới cây cỏ hoa lá, chim muông và động vật hoang dã. Theo kết quả điều tra thực địa hiện nay Vườn quốc gia Vũ Quang có 523 loài thực vật, 360 chi thuộc 145 họ của 5 ngành thực vật bậc cao, trong đó 16 loài được ghi tên vào sách đỏ Việt Nam. Cho tới bây giờ rừng Vũ Quang vẫn là rừng có nhiều cây gỗ quý hiếm như: Trầm hương, Pơ mu, Thông tre, Sao hải nam, Cẩm lai, Soong bột. Khu bảo tồn thiên nhiên có độ che phủ 97%, thiên tạo theo 2 kiểu rừng: Rừng kín thường xanh á nhiệt đới và Rừng kín thường xanh nhiệt đới. Đối với Rừng kín thường xanh á nhiệt đới được phân bố từ độ cao trên 1000 mét, ở những nơi cao này ngoài cây Pơ mu còn sinh trưởng các loài cây như Hồi núi, Sòi phảng, Dẻ đá, Bời lời vòng, Re lá nhỏ đến Đỗ quyên, Nen, Xoan đào.. Rừng kín xanh á nhiệt đới có mật độ cây gỗ quý từ 600 cây - 700 cây /ha trong đó có những cây cổ thụ quý hiếm như Pơ mu, Hoàng đàn, Du sam.. có chiều cao khoảng 15 m - 20 m đường kính hơn 100 cm.

 

                      Chấn chỉnh quản lý Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh)

                                                 Đường vào vườn quốc gia Vũ Quang

Rừng kín thường xanh nhiệt đới phân bố ở độ cao dưới 1000 mét, trên các loại đất Feralit đỏ hay vàng, khí hậu nóng ẩm mưa nhiều nên kiểu rừng này có kết cấu tán phức tạp với những loài cây gỗ có kích thước khá lớn. Rừng thường có 4 tầng: 2 tầng gỗ và 1 tầng cây bụi, 1 tầng thảm tươi. Đáng chú ý là ở khu rừng này có nhiều loại cây cao, thân thẳng đứng, tán tròn đẹp. Ngoài loài Sao mặt quỷ chiếm ưu thế vượt trội, rừng còn có tới 33 loài cây khác trong đó có những loài cây nghe khá lạ tai như Mán đỉa, Máu chó, Chẹo, Đái bò, Re.. Ngoài 2 khu rừng đặc biệt kể trên Vuờn Quốc gia Vũ Quang còn có loại rừng tre nứa, giang chiếm hơn 6% diện tích. Chúng được phân bố dọc theo các suối lớn hoặc nhỏ gần khu vực dân cư và sinh trưởng ở những nơi đất ẩm, thoát nước. Loại rừng này thường mọc tập trung thành những đám lớn, mỗi héc ta từ 300 bụi - 400 bụi với số cây từ 12000 cây - 13000 cây /ha.

Qua quá trình điều tra hệ thú ở Vườn quốc gia Vũ Quang, nhiều giới nghiên cứu sinh vật học trong nước và nước ngoài đều có chung một nhận xét: " Đây là thiên đường của các loài chim muông, thú vật về hoà hợp, chung sống và được nuôi dưỡng bằng sự chở che của các loài cây xanh tầng tầng lớp lớp.. Động vật không mất đi khi môi trường sống của chúng không bị phá vỡ ". Vườn Quốc gia Vũ Quang khi Sao La được phát hiện giờ đây không còn là chuyện lạ mà đang còn có những cây lạ, thú lạ, chim lạ, bướm lạ "mở rộng cánh cửa rừng " cho các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu và kết luận. Chỉ biết rằng theo thống kê cho tới năm 2011 này về động vật có 817 loài, bao gồm 71 loài thú, 273 loài chim, 44 loài bò sát, 25 loài lưỡng cư, 88 loài cá và 316 loài bướm. 36 loài động vật đã được ghi vào sách đỏ thế giới . Ba loài đặc hữu của Bắc Trường Sơn là: Chà vá chân nâu, Voọc gáy trắng, Vượn má vàng.. Ngoài những loài như tắc kè, trăn đất, rắn độc. Khu bảo tồn này cũng rất phong phú các loài rùa sinh sống, nhiều con đã sống hàng trăm năm như Rùa hộp trán vàng, Rùa hộp ba vạch, Rùa núi viền...

 

Bảo tồn"ngôi nhà xanh" - trách nhiệm của cả cộng đồng

 

Ông Đào Huy Phiên - Giám đốc Vườn BTQG Vũ Quang cho biết : " Là những người được nhà nước giao quản lý bảo vệ Vườn quốc gia Vũ Quang, cán bộ nhân viên đơn vị luôn luôn ý thức: Bảo vệ được rừng Vũ Quang là bảo vệ và phát triển được đa dạng hệ sinh học độc đáo, bảo vệ được hệ sinh thái rừng, lưu giữ nguồn gen động thực vật quý hiếm đáp ứng được nghiên cứu khoa học đồng thời sẽ góp phần phát triển du lịch sinh thái trong tương lai. Vì vậy công việc quan trọng bậc nhất là giữ cho các khu rừng trong vườn không bị cháy, giảm thiểu mức tối đa nạn chặt phá rừng, săn bắt động vật rừng tự phát của dân". Ông Phiên tường trình lại một số vụ việc đã xẩy ra tại một số khu rừng bằng các hiện tượng nhỏ lẻ: " Từ nhiều năm nay theo tập quán nhiều người dân vào rừng này kiếm củi hoặc đào củ mài, nhưng một số người vẫn đặt bẫy san thú với nhiều dụng cụ thô sơ mà họ tự chế. Chẳng hạn một sợi dây phanh xe đạp hỏng họ mua về có thể chế ra được một trăm cái bẩy thú. Nhiều đợt mở chiến dịch thu hồi bẫy thú trong rừng, anh em trong đơn vị đã thu được hơn 2000 cái. Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là nạn lẻn lút vào tận rừng sâu chặt phá rừng. Mặc dầu trên đất Vũ Quang hiện nay đã có 2 lực lượng kiểm lâm, một đội của Vườn Quốc gia và một đội của hạt kiểm lâm Vũ Quang (Trực thuộc chi cục kiệm lâm Hà Tĩnh T) tăng cường thắt chặt vọng gác, chịu khó đi kiểm tra tại gốc nhưng rừng quá rộng nên nạn phá rừng dân lại tiếp tục "thay chiều đổi hướng". Thời gian vừa qua đã truy quét 34 đợt và tịch thu hơn 70 m3, tạm giữ 3 xe máy, thu hồi 1 thuyền gỗ, 8 cưa xăng và phạt tiền hơn 36 triệu đồng. Thế nhưng lâm tặc vẫn chưa từ bỏ chuyện phá rừng bảo tồn".

 

                    Bảo tồn đa dạng sinh vật học Vũ Quang với đa dạng sinh vật học kỳ thú

                    Pơ mu là một trong sốnhững loài cây quý có mặt ở Vườn QG Vũ Quang

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết dầu lực lượng kiểm lâm tăng cường đông tới mấy nhưng khi người dân Vũ Quang và nhiều địa phương khác chưa thấy rõ tầm quan trọng của Vườn quốc gia Vũ Quang với trách nhiệm chung của cộng đồng thì những hiện tượng trên vẫn còn tái diễn. Do vậy không còn đường nào khác ngoài chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho dân có đất tăng gia sản xuất, mở rộng ngành nghề thì Vườn Quốc gia Vũ Quang phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa, xuống tận từng thôn xóm tuyên tuyền giáo dục về Luật bảo vệ và phát triển rừng cho mọi người hiểu và nhận thức đầy đủ. Dân viết bản cam kết chưa đủ mà phải đi vào hành động thực sự . Tự giác bỏ nghề đi rừng như vậy rừng bảo tồn mới phát triển bền vững.

                                                                                                                       (HaTinhOnline)

. . . . .
Liên hệ đường dây nóng
Quản lý bảo vệ rừng:0913294126
Cứu hộ động vật:0915110977 - 0913590208
Hỗ trợ trực tuyến
Bản đồ - vị trí
Liên kết - Đối tác