14-09-2020 - 09:44

Vì rừng xanh yêu thương

Không điện lưới, không đường, không sóng điện thoại, không dân là những thiếu thốn mà lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Vũ Quang phải đối mặt hàng chục năm nay. Tuy nhiên anh em vẫn luôn đồng sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; Tất cả vì rừng xanh yêu thương.

Các trạm kiểm lâm Cò, Cò 2 và Sao La nằm cách trung tâm hành chính Vườn quốc gia Vũ Quang gần 20 km đường thuỷ và thường được gọi với cái tên thật đặc biệt: “Trạm 4 không”.

Tổ công tác kiểm lâm Vùng II thăm và làm việc trạm kiểm lâm Cò 2 sau mùa lũ năm 2019

Trạm kiểm lâm Sao La đóng quân trên 1 quả đồi cao hàng trăm mét để tránh mùa mưa lũ

Những ngày đầu tháng 9, Phòng Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng chúng tôi tổ chức Hoạt động trải nghiệm giành cho giáo viên và học sinh Trường trung học cơ sở Phan Đình Phùng, huyện Vũ Quang với chủ đề “Chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học”. Điểm đến lần này chúng tôi chọn là quần thể rừng Sấu có niên đại hàng trăm năm tuổi, khu vực thành Cụ Phan và khu rừng cây, suối nước Trại Cưa. Sau khi hội ý, ngoài những điểm đã chọn theo kế hoạch, chúng tôi thống nhất sẽ đến tham quan 3 trạm Sao La, Cò và Cò 2, bởi theo mong muốn của Đoàn đây là dịp để đến thăm, động viên, chia sẻ những khó khăn, vất vả của lực lượng kiểm lâm Vườn đang ngày đêm bám giữ nơi rừng thiêng nước độc; Đây là 3 trạm kiểm lâm nằm ở thượng nguồn nơi những con sông đổ về hồ chứa nước Ngàn Trươi thơ mộng, cách biệt với đất liền và được mệnh danh là trạm kiểm lâm “4 không”: Không đường bộ, không dân, không điện lưới và không sóng điện thoại.

Phó trạm trưởng Phạm Văn Ngọc cùng đồng đội gia cố lại mái nhà trạm kiểm lâm Sao La trước mùa mưa bão 

Sau khi hướng dẫn các thầy cô và các em học sinh tham quan trung tâm hành chính của Vườn, nhà mẫu vật, khu cứu hộ động vật, đúng 8 giờ sáng chúng tôi bắt đầu lên thuyền rời bến. Sau gần 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đặt chân đến trạm kiểm lâm Cò, sau không ít lần mắc kẹt giữa các gốc Cọ, tre nứa là những dấu tích còn sót lại của bản làng xưa.

Dâng hương tại Miếu thờ Cụ Phan Đình Phùng

Hoạt động trải nghiệm tại Vườn Quốc gia Vũ Quang

Phó trạm trưởng Phụ trách trạm Cò, Mai Văn Quyết và đồng đội đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ, tay bắt, mặt mừng. Trông gương mặt anh toát lên một niềm vui khôn xiết. Anh tếu táo nói rằng ở chốn này, có người đến chơi đã rất vui rồi mà đây còn có nhiều cô giáo, chị em phụ nữ nữa thì càng vui hơn Tết. Là đồng đội của nhau, đã và đang “gối đất nằm sương” cùng nhau nên tôi hiểu những lần như thế này có ý nghĩa lớn đến nhường nào. Các chị, các cô trong đoàn xúm lại vây quanh các anh như một lời động viên, an ủi, hỏi han bao nhiêu chuyện: nào là chuyện nghề, chuyện gia đình, riêng tư...

Anh Quyết và tôi cũng không ngại ngần chia sẻ thông tin với các chị: trạm kiểm lâm Cò trước đây có 2 cơ sở bây giờ mới tách ra độc lập để thực hiện nhiệm vụ, trạm anh quản lý có 6 người, trong đó chỉ có 3 viên chức còn lại là nhân viên hợp đồng/năm theo diện hộ gia đình. Theo quy định, mỗi viên chức kiểm lâm chỉ quản lý tối đa 500ha rừng nhưng 3 người (viên chức) ở đây quản lý tới gần 17.000ha. Tức bình quân mỗi người phải đảm nhiệm gần 6.000ha, nhiều gấp 12 lần so với quy định.

Áp lực công việc lớn, lại ở xa gia đình, vợ con nên có những anh em nhân viên hợp đồng không chịu được “nhiệt” phải bỏ nghề đi tìm công việc mới ở tận miền nam hoặc đi xuất khẩu lao động. Còn như anh, do quá đam mê rừng núi và cũng quen với cuộc sống thiếu thốn từ nhỏ nên vẫn nhất niệm “sinh nghề, tử nghiệp”, quyết không né tránh nhiệm vụ.

Ở trạm Cò, Cò 2 và Sao La không có điện lưới nên hàng chục năm qua, các cán bộ kiểm lâm chỉ có ánh đèn dầu leo lét làm bạn. Thời gian gần đây, Vườn đã xây dựng  hệ thống  điện năng lượng mặt trời nên ánh sáng được cải thiện hơn nhưng cũng chỉ đủ để thắp 2 chiếc bóng đèn ở phòng sinh hoạt chung và phòng ngủ.

Đặc thù đường đi lại khó khăn nên thực phẩm chủ yếu do các anh “tự cung tự cấp”. Phía trước trạm là vườn rau xanh mướt với rất nhiều loại. Xung quanh vườn nuôi thêm lợn, gà, và nuôi cá lồng bè nữa nhưng mùa lũ năm 2019 đã nhấn chìm tất cả, cuốn luôn lồng bè cá trị giá hàng chục triệu đồng mà mấy anh em phải tằn tiện, gom góp từng đồng lương để tạo dựng nên.

Trạm kiểm lâm Cò 2 bị nhấn chìm trong đợt lũ năm 2019

Anh Quyết nói: “Ở đây, một tuần chúng tôi mới ra ngoài đất liền 1 lần, khi có anh em nào về nhà thì đi chợ mua luôn thức ăn đưa vào. Buổi tối ăn cơm tối xong, anh em chỉ biết ngồi tán gẫu với nhau đôi ba câu rồi đi ngủ. Không ti vi, không sóng điện thoại, buồn vô cùng”.

Vườn rau hồi sinh sau mùa nắng nóng và gió Lào bỏng rát

Ngoài bất tiện, việc thiếu sóng điện thoại còn khiến cuộc sống của những cán bộ bảo vệ rừng ở VQG Vũ Quang cười ra nước mắt. “Có hôm đang nói chuyện dở với vợ con, mất sóng, tôi phải leo lên cây để hứng “sóng vớt”. Thế nhưng cũng chập chờn câu được câu mất”, rồi lại phải để cái máy “cục gạch” vào chổ cố định hi vọng “vớt” được sóng mới.

Hay trường hợp anh Đinh Hữu Chức, Trạm phó Phụ trách trạm kiểm lâm Cò 2. Năm ngoái, Bà ngoại anh mất, đêm đó gia đình liên lạc liên tục cho anh nhưng không được. Sáng mai, khi anh leo lên cây tìm sóng, nhận được tin nhắn của vợ liền vội vã tức tốc lên thuyền để về cho kịp đám tang bà.

Cách đây hơn 2 năm, anh Lê Ngọc Bá, lao động hợp đồng ở trạm Cò 2 lên cơn tai biến trong đêm phải đưa ra đất liền. Gần 2 tiếng di chuyển bằng thuyền, tính mạng anh vô cùng mong manh, may sao anh được đưa đến bệnh viện kịp thời, thoát chết trong gang tấc...

Ngoài cái tên “trạm 4 không” thì trạm Cò 1, Cò 2, Sao La còn được gọi bằng một cái tên tếu táo khác là “trạm ế vợ”. Sở dĩ có cái tên như vậy vì đa số anh em cán bộ trạm tuổi đã “ Đầu 3 đít chơi vơi ” nhưng trong tình trạng “giường không gối chiếc”.

Đó là trường hợp của các anh:  Nguyễn Hữu Hiếu (SN 1983) nhưng đến nay vẫn chưa có vợ. Tương tự, anh Phạm Đức Hiếu (SN 1989), nhà ở Hương Sơn vẫn buồng không nhà trống. Rồi anh Tuấn Anh (SN 1996), Phan Văn Toại (SN 1987)… đều rơi vào tình cảnh tương tự.

Nói đến đây, các anh cùng ồ lên cười vừa tếu táo vừa trầm buồn, Phó trạm trưởng  Phạm Đức Hiếu chia sẻ : “Nghề này, sống cách biệt với đất liền ít có cơ hội gặp gỡ ai, sóng điện thoại cũng không có thì tán tỉnh được cô nào mà không ế vợ, các chị ở trường có cô nào làm mai cho bọn em với”.

Dù thiếu thốn tình yêu đôi lứa nhưng mỗi khi nhắc đến công việc ánh mắt các cán bộ bảo vệ rừng ở đây lại hừng hực khí thế. Các anh bảo, tình yêu rừng ngấm vào máu thịt rồi nên các anh mới có thể hi sinh cuộc sống riêng tư nhiều đến vậy.

Anh Nguyễn Hữu Hiếu, nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng thuộc Trạm Sao La chia sẻ, trước đây anh làm ở trạm kiểm lâm Hòa Hải nằm trên địa bàn huyện Hương Khê. Sau năm 2016, anh chuyển về trạm Sao La, về đúng mảnh đất mà anh và Tôi đã sinh ra và lớn lên. Bố anh là giáo viên, mẹ anh và bố mẹ của Tôi trước làm công nhân lâm trường trồng rừng Vũ Quang cùng nhau và nay chúng tôi nối nghiệp (nay là VQG Vũ Quang).

Anh Hiếu nhắc chuyện mẹ kể lại: ngày đó, bà lên đây làm công nhân gặp bố anh, 2 người yêu nhau rồi cưới. Anh vẫn còn nhớ như in những ngày thơ ấu, khi anh còn rất nhỏ, mẹ vào rừng đi lấy lá Nón về bán cho thương lái Hà Tây, ở nhà một mình đói bụng quá, anh phải trèo cây mít, hái dái cám ăn trừ bữa. Tuổi thơ lớn lên trong khó khăn, vất vả trên mảnh đất bốn phía là  rừng, đá và sỏi cộng với cái nóng rát của nắng gió Trường Sơn nhưng lại khiến anh yêu và gắn bó đến lạ kỳ. Chính vì yêu những cánh rừng đại ngàn xanh mướt này mà anh đã vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn để bám trụ với công việc mà mình đã chọn.

Điều kiện sinh hoạt khó khăn, trách nhiệm nặng nề nhưng một nghịch lý là chế độ lương của cán bộ bảo vệ rừng ở VQG Vũ Quang lại chưa tương xứng. Làm việc, cống hiến cho nghề hơn 30 năm nhưng lương và phụ cấp của Phó trạm trưởng Phụ trách kiểm lâm Cò Mai Văn Quyết chưa được 8 triệu đồng/tháng; Trạm trưởng trạm Sao La Lê Công Sáng công tác 13 năm trong nghề cũng mới chỉ được 5 triệu đồng/tháng.

Công việc vất vả, cuộc sống khó khăn, điều kiện sinh hoạt muôn bề gian truân, Nhà nước cũng đã có chủ trương cho xây dựng 2 trạm kiểm lâm Cò 2 và Sao La nhưng mãi đến nay vẫn năm trên giấy tờ chứ chưa khởi công xây dựng được. Mong chờ có một chổ ở ấm cúng giữa chốn rừng thiêng nước độc của các anh là điều dễ hiểu và hết sức cần thiết, chắc những lần đi khảo sát thực tế nơi đây, các Cấp các Nghành cũng đã thấu hiểu và chia sẻ. Mong sao các anh sẽ kịp có một nơi ở kiên cố trước mùa mưa lũ sắp tới.

Chiếc thuyền này trở thành ngôi nhà di động của trạm kiểm lâm Sao La vào mùa lũ năm 2019. Giám đốc Nguyễn Danh Kỳ đến thăm và động viên anh em khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ

Cảm thông sâu sắc với khó khăn, vất vả của các anh, thầy cô giáo và các em học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm lần này không khỏi bùi ngùi, xúc động. Gạt đi những nổi niềm tâm sự, đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá thiên nhiên của mình tới những địa điểm đã chọn. Sau gần một ngày tìm hiểu, khám phá, hoà mình vào thiên nhiên chúng tôi trở về và được các anh tiễn chân ra tận bến thuyền. Những cái nắm tay, những cái ôm thật chặt giường như không muốn rời ra trong giờ phút chia tay.

Tạm biệt các anh những người kiểm lâm thầm lặng khi bóng chiều đã đổ, chúng tôi vẫn vấn vương câu nói của anh Quyết: “Việc giữ rừng đối với người trẻ không dễ đâu. Và nếu làm được thì là phải người có tâm huyết và có một tình yêu rừng mãnh liệt”. Tôi nhận ra trong ánh mắt của thầy cô giáo và các em học sinh hiện lên lòng cảm phục tinh thần cống hiến thầm lặng của các anh đang ngày đêm nổ lực vượt qua khó khăn để giữ màu xanh cho sự sống.

                         

                      Nguyễn Sang Trang - Phó Trưởng Phòng GDMT&DVMTR

 

. . . . .
Liên hệ đường dây nóng
Quản lý bảo vệ rừng:0913294126
Cứu hộ động vật:0915110977 - 0913590208
Hỗ trợ trực tuyến
Bản đồ - vị trí
Liên kết - Đối tác