Vườn quốc gia Vũ Quang đã xây dựng mô hình phát triển kinh tế vùng đệm, tạo việc làm đưa lại thu nhập ổn định cho một số người dân sống gần rừng bằng nghề nuôi ong lấy mật. Lâu dần người dân nơi đây đã xem khu rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Vũ Quang như chính cánh đồng của gia đình họ và công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở đây đã được người dân tham gia rất tích cực.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng là việc làm hết sức khó khăn, gian khổ. Ngoài sự nổ lực và trách nhiệm của Chủ rừng; lực lượng Kiểm lâm làm nòng cốt; sự vào cuộc quyết liệt của Chính quyền địa phương; sự phối hợp của các cơ quan chức năng trên địa bàn. Tuy nhiên, nếu không có sự đồng tình ủng hộ của người dân sống gần rừng thì công tác bảo vệ rừng khó có thể bền vững. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước. Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn và Chính quyền địa phương các cấp đã có nhiều chủ trương đúng đắn, nhiều mô hình quản lý bảo vệ rừng được áp dụng và từng bước đưa lại hiệu quả thiết thực. Cùng với các giải pháp khác, Vườn quốc gia Vũ Quang đã xây dựng mô hình phát triển kinh tế vùng đệm, tạo việc làm đưa lại thu nhập ổn định cho một số người dân sống gần rừng bằng nghề nuôi ong lấy mật. Lâu dần người dân nơi đây đã xem khu rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Vũ Quang như chính cánh đồng của gia đình họ và công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở đây đã được người dân tham gia rất tích cực. Sau đây là câu chuyện về một mô hình như thế.
Lực lượng Kiểm lâm phối hợp với người dân vùng đệm tuần tra bảo vệ rừng
Đến với huyện miền núi Vũ Quang - tỉnh Hà Tĩnh, khi hỏi đến Ông: Nguyễn Văn Dũng - Tổ dân phố 3 thị trấn Vũ Quang - huyện Vũ Quang - tỉnh Hà tĩnh, chắc rằng ai ai cũng biết. Mọi người biết nhiều về ông Dũng bởi sự thành công bằng nghề nuôi ong lấy mật, bởi thương hiệu mật ong Vũ Quang: thơm, ngon, bổ dưỡng nổi tiếng cả vùng.
Thị trấn huyện Vũ Quang là vùng đệm của Vườn quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Người dân nơi đây, bao đời nay sống bằng nghề làm nông nghiệp thuần túy, ruộng đất ít ỏi, không có nghề phụ, thu nhập bấp bênh. Gia đình ông Dũng cũng không ngoại lệ; thời điểm đó vợ chồng ông đang loay hoay với cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Một chủ trương mới ra đời, năm 1994, khu rừng tự nhiên có diện tích 55.058 (ha) do Lâm trường khai thác Vũ Quang quản lý, được Nhà nước chuyển đổi thành khu rừng đặc dụng có tên gọi: Khu Bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang, nay là Vườn quốc gia Vũ Quang - tỉnh Hà Tĩnh, để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học. Theo quy hoạch, Thị trấn Vũ Quang là một trong những địa phương nằm trong diện tích vùng đệm của Vườn quốc gia Vũ Quang; Sau nhiều đợt khảo sát, điều tra nhanh nông thôn của Ban quản lý rừng đặc dụng, nhiều lớp tập huấn nhằm tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng được triển khai; Trong đó, lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi ong lấy mật được triển khai sớm nhất, thế là gia đình ông Dũng chọn nghề nuôi ong lấy mật làm mũi đột phá, để chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thay vì trước đây những thời gian mùa vụ nông nhàn, các lao động chính lại vào rừng khai thác lâm sản và tìm kiểm các sản vật từ rừng để mưu sinh.
Với bản tính cần cù, chịu khó và dám đương đầu, bứt phá để thay đổi cuộc sống nghèo khó bấy nay. Ông được Ban quản lý rừng đặc dụng, mời các chuyên gia hàng đầu về ngành nuôi ong lấy mật, hướng dẫn kỹ thuật nhân nuôi, tạo đàn, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản sản phẩm...vv; được Ban quản lý rừng đặc dụng hỗ trợ giống, các vật tư kỷ thuật. Từ đó, ông bắt đầu nhân nuôi, lúc đầu ông được Dự án cấp cho 02 đàn ong, áp dụng kỹ thuật đã được tập huấn ông nhân lên thành 05 đàn, thấy kết quả tốt dần, ông nhân lên thành 10 đàn, rồi 40 - 50 đàn và có lúc lên tới hàng trăm đàn ong mật. Khi có đủ số đàn để nuôi trong gia đình, ông đã làm dịch vụ cung cấp cho các hộ dân có nhu cầu nuôi ong trên địa bàn. Theo đó là mức thu nhập của gia đình, ban đầu đàn ong cho thu nhập: 10 - 20 triệu đồng/năm và rồi tiến dần lên 30 - 40 triệu đồng/ năm, rồi lên mức 60- 70 triệu đồng/năm, chỉ hơn một năm sau khi làm thêm nghề nuôi ong lấy mật gia đình ông đã dần thoát nghèo và vươn tới hộ có thu nhập khá trong tổ dân phố. Không những gia đình ông làm được mà rất nhiều hộ dân trong vùng cũng làm theo và thành công. Trò chuyện với chúng tôi ông Dũng kể lại: có được thành quả như ngày hôm nay, trước hết là nhờ vào chủ trương của Ban quản lý Vườn quốc gia Vũ Quang, Hạt Kiểm lâm Vườn đã giúp chúng tôi có thêm những kiến thức ban đầu, có giống, có một số vật tư kỹ thuật và đặc biệt là có sinh cảnh rừng tự nhiên để đàn ong phát triển đây chính là điều kiện vô giá, không phải ở nơi nào cũng có được. Nói về sự thành công của nghề nuôi ong lấy mật, ông Dũng cho biết:
Nuôi ong trước hết phải nắm được quy trình kỹ thuật, hiểu được tập tính của đàn ong thì mới thành công: phải kiểm soát được dịch bệnh, biện pháp ngăn ngừa thiên địch, nắm chắc chu kì sinh sản, phương pháp tách đàn...
Để có đàn ong khỏe, phát triển tốt, cho sản lượng mật đạt chất lượng cao: thì điều quan trọng nhất là phải có môi trường, sinh cảnh tự nhiên đa dạng và đảm bảo vệ sinh môi trường; Ông giải thích: nhờ diện tích rừng của Vườn quốc gia Vũ Quang ở đây ngày càng được bảo vệ tốt hơn, nhờ đó mà sản lượng mật ong nuôi ở đây không ngừng tăng lên, chất lượng đảm bảo. Ông nói: ngày xưa rừng ở đây bị khai thác cạn kiệt, nhiều diện tích bị cháy, nguồn nước sạch bị ô nhiễm, dẫn đến đàn ong thiếu thốn nguồn thức ăn, gây ra nhiều loại dịch bệnh, người nuôi ong thu nhập rất thấp nên chẳng ai mặn mà gì. Từ khi có Ban quản quản lý khu rừng đặc dụng, Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Vũ Quang được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả, công tác quản lý bảo vệ rừng được tăng cường, rừng tự nhiên, rừng trồng phát triển tốt; công tác phòng cháy chữa cháy rừng hàng năm ở đây cũng được chú trọng, những cánh rừng tự nhiên ở đây đang được hồi sinh từng ngày, từ đó đàn ong của câu lạc bộ nuôi ong của huyện Vũ Quang phát triển vượt bậc cả về sản lượng và chất lượng. Dưới tán rừng tự nhiên nguồn thức ăn đa dạng, phong phú, nguồn nước sạch tinh khiết, khoáng chất dồi dào là yếu tố quyết định cho nghề nuôi ong lấy mật ở đây phát triển.
Từ mô hình này đã nhân rộng ra khắp cả vùng, hiện tại trên địa bàn huyện Vũ Quang đã có 07 Hợp tác xã nuôi ong với tổng số 195 thành viên tham gia, sản lượng, chất lượng mật ong Vũ Quang không ngừng được nâng lên, năm sau cao hơn năm trước, chất lượng mật ong của Vũ Quang được người tiêu dùng lâu năm khen ngợi, đã trở thành món quà đặc sản của vùng đất Vũ Quang. Để khẳng định giá trị sản phẩm và bảo vệ bản quyền. Mật ong Vũ Quang nay đã được đăng ký bản quyền nhãn hiệu sản phẩm và có chỗ đứng vững trên thị trường Hà Tĩnh và đang vươn ra thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước.
Ông Dũng (người đứng thứ 2 từ trái sang)
đang hướng dẫn kỷ thuật nuôi ong cho cộng đồng
Bí quyết để có thương hiệu uy tín mật ong Vũ Quang chính là tính Đa dạng sinh học của khu rừng nơi đàn ong thường xuyên lấy nguyên liệu, không có bí quyết gì ngoài yếu tố nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên mà đàn ong lựa, chọn từ trên 600 loài thực vật, với hàng trăm loài hoa, chồi non, mùa nào hoa nấy và những khoáng chất thiên nhiên được đàn ong lựa chọn từ những dòng suối trong vắt, nằm trong rừng đặc dụng Vườn quốc gia Vũ Quang, chắt chiu đem về ủ mật. Do vậy, hương vị và màu sắc của mật ong Vũ Quang cũng là hương sắc của núi rừng. Hương vị mật ong ở đây cũng được thay đổi theo mùa, những khách hàng sành dùng mật ong Vũ Quang, họ có thể thoải mái lựa chọn những hương vị mà mình ưa thích để mua.
Khi nghề nuôi ong lấy mật đã thành công, sản phẩm đã có thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường; đời sống người dân đã được cải thiện đáng kể, để duy trì và phát triển bền vững nghề nuôi ong lấy mật ở Vũ Quang theo ông Dũng: điều quan trọng nhất là hơn ai hết mỗi một người dân ở đây phải tích cực bảo vệ và phát triển rừng, làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm và sau đó là tuân thủ các quy trình kỹ thuật.
Sản phẩm mật ong Vũ Quang đã có chỗ đứng vững trên thị trường
Tạm chia tay với ông Chủ nhiệm câu lạc bộ nuôi ong lấy mật của huyện Vũ Quang, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người dân nơi đây, khi họ đang có thêm một nghề mới, mà thành quả lao động ở đây luôn có sự đồng hành của những nười làm công tác quản lý bảo vệ rừng; thời gian tới mong rằng các cấp, các nghành cần có thêm nhiều chương trình Dự án mới, thiết thực nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân sống gần rừng, để những cánh rừng đại ngàn mãi mãi xanh tươi.
Lê Văn Vĩnh - Vườn QG Vũ Quang - Hà Tĩnh.