13-02-2018 - 10:06

Phát triển sinh kế tại khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Vườn Quốc gia Vũ Quang từng được đánh giá là 01 trong 32 khu rừng đặc dụng có tính đa dạng sinh học cao nhất toàn quốc hiện nay. Với diện tích được giao quản lý 57.038,20ha trải dài trên 03 huyện Vũ Quang, Hương Sơn và Hương Khê; 13 xã vùng đệm, 105 thôn bản với hơn 50.000 người dân sinh sống xung quanh, chủ yếu thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; trình độ dân trí thấp tạo nên một áp lực rất lớn đến tính đa dạng sinh học và bảo tồn của Vườn. Chính vì vậy để duy trì, phát triển cũng như đảm bảo tính bền vững đa dạng sinh học của Vườn thì một trong những biện pháp quan trọng, cốt lõi của Vườn trong thời gian tới là việc phát triển sinh kế tại cho người dân.

Họp thôn thống nhất hạng mục hỗ trợ tại thôn Thượng Kim- xã Sơn Kim 2 theo quyết định số 24/2012/QĐ-TTg

Rừng chỉ thật sự quý khi toàn bộ người dân thấy nó là quý là quan trọng, khi mà người dân còn thấy những cây gỗ quý còn là kế sinh nhai, còn là cách để người dân kiếm tiền trang trải từng bữa ăn qua ngày, thì thật sự nó chưa mang được ý nghĩa toàn vẹn nhất. Một trong những thử thách lớn, đó là làm thế nào để chăm lo đến sinh kế của các cộng đồng người dân sinh sống xung quanh Vườn Quốc gia; đặc biệt ở những địa bàn dân cư mà trong đó trình độ dân trí còn thấp, cuộc sống người dân phần lớn còn có những tập quán sinh sống phụ thuộc vào tài nguyên rừng. Hiện tại đã có những chính sách nhằm phát triển dân cư vùng đệm, nhưng cần nhiều hơn nữa những hoạt động trong việc phát triển sinh kế, giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập nâng cao đời sống cho bà con từ đó giảm áp lực vào rừng góp phần bảo tồn đa dạng sinh học bền vững.

Trong những năm qua công tác tuyên truyền giáo dục bảo vệ rừng và PCCCR được Vườn chú trọng và đã phối hợp thực hiện bằng nhiều biện pháp như: Họp thôn, giáo dục môi trường tại các trường học, các cuộc triển lãm tranh, các cuộc thi về bảo vệ rừng... tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn và thách thức chưa thực sự mang lại hiệu quả cao nhất.

Hoạt động Giáo dục môi trường tại trường học

Như vậy ý tưởng về sinh kế thay thế sẽ là các hoạt động này có thể tạo ra động lực cho người dân để họ chấm dứt những họat động thiếu bền vững đang được áp dụng và theo đuổi những loại hình khác có tính bền vững hơn như: phát triển chăn nuôi, trồng trọt... Để đạt kết quả, phương án thay thế cần phải đem lại lợi ích kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên khả năng sinh lợi không phải là một nhân tố duy nhất; Thái độ đối với việc giải quyết rủi ro, việc tiếp cận quyền tài sản, bối cảnh gây thương tổn và những ảnh hưởng về thể chế sẽ tạo ra những tác động tới quá trình ra quyết định của người dân, những nhận thức đúng về chính sách và phương thức của những người dân sẽ ảnh hưởng tốt đến công tác quản lý bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Từ năm 2013 đến nay thực hiện theo quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020, hàng năm Vườn Quốc gia Vũ Quang đã tiến hành  hỗ trợ 40 triệu đồng/năm cho một số thôn có điều kiện đặc biệt khó khăn giáp ranh diện tích rừng Vườn quản lý. Vườn đã tiến hành hướng dẫn, tư vấn cho thôn sử dụng nguồn hỗ trợ hiệu quả, thực hiện những hoạt động phù hợp với từng thôn cụ thể và nhận được sự đồng thuận cao của người dân trên địa bàn, giải quyết một số khó khăn tồn tại lâu nay. Song hành với hoạt động hỗ trợ kinh phí để phát triển sinh kế, các thôn cũng đã diễn ra cuộc họp cộng đồng dân cư kí cam kết bảo vệ rừng. Theo đó, người dân sẽ cùng với lực lượng kiểm lâm tham gia quản lý rừng đặc dụng, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã, phòng cháy chữa cháy rừng. Đại diện các thôn cũng đã cam kết với Ban quản lý rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Vũ Quang sẽ nghiêm chỉnh thực hiện nguồn hỗ trợ này theo đúng kế hoạch, dự toán được phê duyệt, có hiệu quả và đem lại lợi ích cho cộng đồng dân cư.

Kiểm tra tiến độ thực hiện hạng mục hỗ trợ theo quyết định số 24/2012/QĐ-TTg  tại thôn Hạ Vàng xã Sơn Kim 2

Sinh kế của người dân là bền vững khi họ có thể duy trì và nâng cao được nguồn lực, có thể đối phó và vượt qua các cơn sốc nội tại cũng như từ ngoài, mà không làm tổn thương hoặc phung phí tài nguyên thiên nhiên mà con người phụ thuộc. Qua những điều này cho ta thấy rằng sự đồng bộ giữa các hoạt động quản lý bảo vệ phát triển rừng, sinh kế cộng đồng, giáo dục môi trường và các hoạt động bổ trợ khác cần được tiến hành song song mới có thể đem lại hiệu quả cao trong công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

 Để thực hiện được những điều này thì trong thời gian tới Vườn Quốc gia Vũ Quang cần được sự quan tâm hơn nữa về cơ chế và chính sách trong lĩnh vực phát triển sinh kế, hỗ trợ những nguồn lực cần thiết để thúc đẩy công tác này trong thời gian tới, để nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao nhất gắn liền với sự đồng thuận của người dân trên địa bàn./.

 

Nguyễn Thành Nam - Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Hương Thọ

. . . . .
Liên hệ đường dây nóng
Quản lý bảo vệ rừng:0913294126
Cứu hộ động vật:0915110977 - 0913590208
Hỗ trợ trực tuyến
Bản đồ - vị trí
Liên kết - Đối tác